Xe nôi cho chó cưng bùng nổ ở Hàn Quốc

24/11/2024
|
0 lượt xem
Cuộc Sống Đó Đây Thế Giới
Xe nôi cho chó cưng bùng nổ ở Hàn Quốc

Hàn Quốc những năm gần đây ghi nhận số lượng xe nôi cho chó cưng bùng nổ. Năm 2023, lần đầu tiên lượng xe nôi dành cho thú cưng được tiêu thụ vượt lượng xe nôi cho trẻ em.

Tính đến hết tháng 9 năm nay, số xe nôi thú cưng được bán ở nước này chiếm 58% thị phần, so với 42% xe đẩy trẻ em. Trước đó, xe nôi thú cưng chỉ chiếm 36% thị phần trong năm 2022, 34% trong năm 2021.

Sự bùng nổ này làm dấy lên tranh luận ở Hàn Quốc, nước đang vật lộn cải thiện tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. "Tại sao lại đẩy chó trên xe nôi khi nhẽ ra chúng nên đi bộ?" là lời chỉ trích mà chủ vật nuôi Hàn Quốc thường nhận được.

Giới chuyên gia chỉ ra xe nôi rất tiện lợi để vận chuyển chó nhỏ, vốn là cỡ chó phổ biến nhất ở Hàn Quốc, đặc biệt là khi đi cà phê, nhà hàng, vào tiết trời khắc nghiệt. Giáo sư Khoa học Động vật Kim Young-yeon từ Đại học Calvin, Mỹ, cho biết văn hóa xe nôi dành cho thú cưng du nhập vào Hàn Quốc từ Nhật Bản, do người dân hai nước có lối sống đô thị tương đồng.

Lối sống này khiến người Hàn chuộng chó cỡ nhỏ, khác với các nước phương Tây chuộng chó cỡ lớn. Chó nhỏ phù hợp để nuôi trong các căn hộ ở Hàn Quốc, Nhật Bản.

Nhiều giống chó nhỏ có thể chất yếu, nhanh mệt khi đi dạo, khiến xe nôi trở thành lựa chọn phù hợp, tránh trường hợp quá sức. Giống chó phổ biến nhất ở Seoul là chó maltese, chiếm gần 20% số chó được nuôi làm thú cưng. Những giống phổ biến tiếp theo là poodle, phốc sóc, shih tzu.

Thị phần xe nôi ở Hàn Quốc từ 2022 đến tháng 9/2024. Đồ họa: KJD

Nhiều địa điểm trong nhà ở Hàn Quốc còn yêu cầu chủ nhốt vật nuôi trong lồng hoặc chở trên xe nôi, khác với các nước châu Âu cho phép thả thú cưng tự do, kể cả chó lớn, trong các hàng quán.

"Ngay cả những nơi dán nhãn 'thân thiện với thú cưng' ở Hàn Quốc cũng yêu cầu điều này, khiến những người chủ có rất ít lựa chọn", một người nuôi chó chia sẻ trên mạng xã hội.

Do đó, một số địa điểm được các chủ nuôi đặc biệt yêu thích, như trung tâm thương mại Starfield ở Seoul. Nơi này cung cấp các dịch vụ như cho thuê xe nôi chó, khu vực xử lý chất thải, phòng chờ cho thú cưng. Nhiều quán cà phê cũng mở các khu vực riêng cho thú cưng.

Chó trên xe nôi tại một sự kiện ở quận Gangnam, miền nam Seoul, Hàn Quốc, ngày 25/8. Ảnh: Yonhap

Một nguyên nhân khác khiến làn sóng xe nôi cho thú cưng bùng nổ là người Hàn ngày càng xem vật nuôi, đặc biệt là chó, như thành viên trong gia đình, coi chúng như con cái hoặc "maknae" (em út) và mạnh tay đầu tư vào các dịch vụ, sản phẩm cao cấp cho chúng. Giá xe đẩy thú cưng dao động từ 75 đến 222 USD, một số mẫu cao cấp thậm chí có giá lên tới hơn 1.100 USD.

Tyler Rasch, người Mỹ sống tại Seoul cùng một con chó bedlington terrier, cho biết văn hóa nuôi chó ở Hàn Quốc rất khác so với Mỹ.

"Tôi không gọi con chó là 'em bé', hay coi mình là 'bố' của nó. Tôi chỉ gọi nó bằng tên", Rash nói, lưu ý thêm người Mỹ cũng coi thú cưng là một phần trong gia đình, song quan điểm rõ ràng rằng "chó không phải người".

Trên mạng xã hội Hàn, tìm kiếm từ khóa "maknae" cho ra kết quả liên quan đến thú cưng nhiều hơn trẻ sơ sinh.

Lượng chủ thú cưng ở nước này đã tăng đến 15 triệu người trong khi tỷ lệ sinh giảm. "Tâm lý chi tiêu của nhiều người đang hướng đến thú cưng vì họ không có con", Lee Woong-jong, giáo sư Khoa học Thú cưng từ Đại học Yonam chỉ ra.

Làn sóng bùng nổ xe nôi thú cưng còn phản ánh "văn hóa trưng bày" ở Hàn Quốc, nước có tỷ lệ tiêu dùng dịch vụ, sản phẩm xa xỉ cao nhất thế giới. Các công ty nghiên cứu thị trường ở Hàn cho biết sự phát triển của ngành công nghiệp thú cưng liên quan mật thiết đến tổng thu nhập quốc gia (GNI).

Ví dụ điển hình là một nhà hàng dành chó cưng vừa khai trương ở Seoul, phục vụ theo hình thức omakase (đầu bếp quyết định món ăn phục vụ cho khách). Nhà hàng chỉ nhận đặt chỗ trước. Giá suất ăn 8 món tùy theo kích thước chó cưng, ở mức 43 USD đối với chó nhỏ dưới 7 kg và gần 60 USD với chó lớn.

"Khi quan điểm coi thú cưng như con cái trong nhà phát triển mạnh mẽ, việc đẩy xe nôi chở chó trở thành biểu tượng địa vị, để gây chú ý hoặc thể hiện rằng bản thân đang chăm sóc thú cưng của mình rất chu đáo", giáo sư Lee nhận định.

Đức Trung (Theo Korea JoongAng Daily, Korea Times, KBS)

Tin liên quan
Tin Nổi bật