Nhiều tuyến đường tại thành phố Cần Thơ những ngày qua ngập sâu do triều cường, vượt báo động 3 từ 11 cm đến 20 cm. Chị Hà phải lội nước ngập đến đùi, cõng hai con nhỏ đến trường. Ngôi nhà cấp 4 cũng bị nước tràn vào, có ngày hai lần, 4-5 giờ sau mới rút.
Tiếp xúc nước bẩn thường xuyên, cả nhà chị Hà bị ngứa da, sần sùi, móng tay chân đổi màu, lở da kẽ ngón tay, ngón chân, bàn tay, bàn chân. Da lòng bàn chân và kẽ chân chồng chị Hà có màu trắng bợt, dễ dàng bong tróc, có mùi hôi. Cả gia đình tới Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám, bác sĩ chẩn đoán bị viêm da tiếp xúc, nấm kẽ tay chân và một số vùng nhiễm trùng. Chị Hà và chồng còn nhiễm nấm ở vùng sinh dục.
Tương tự, Bình, 21 tuổi, sinh viên, có nhiều vùng da dày sừng, nứt nẻ ở hai chân, chảy máu, ngứa và đau nhiều, sốt 39 độ. Những ngày qua, nhà gần kênh Tẻ (quận 7) bị ngập sâu, anh phải ngâm chân trong nước kê dọn đồ đạc, vùng cổ chân và bàn chân cọ xát nhiều với quai dép nên trầy xước, ngứa.
Bình bị viêm da cơ địa mạn tính từ nhỏ nhưng không điều trị liên tục. BS.CKI Võ Thị Tường Duy, đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 khám, chẩn đoán người bệnh bị nhiễm trùng trên nền viêm da cơ địa do tiếp xúc thường xuyên với nguồn nước bẩn.
Bác sĩ Duy khám da cho một người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Theo TS.BS Đặng Thị Ngọc Bích, phụ trách khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM và Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, số ca bệnh về da gần đây có xu hướng tăng. Trung bình mỗi ngày, hệ thống này tiếp nhận 70-80 ca, tăng khoảng 20% so với tháng trước, chủ yếu bị viêm da kích ứng, chàm (viêm da cơ địa), nhiễm nấm, ghẻ lở...
"Mưa nhiều kết hợp triều cường ngập nước khiến môi trường ẩm thấp, ô nhiễm tạo điều kiện vi trùng, vi khuẩn, vi nấm phát triển gây bệnh da cho người", bác sĩ Bích giải thích. Hàng rào bảo vệ da suy yếu khiến các bệnh sẵn có của da dễ bị kích hoạt, bùng phát nặng hơn. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể diễn tiến nặng như lở loét, hoại tử da, sẹo xấu, nhiễm trùng da, vết thương lâu lành. Nấm lan rộng toàn thân gây ngứa ngáy, lây nhiễm giữa các thành viên trong gia đình nếu dùng chung khăn tắm, quần áo, vớ.
Người mắc viêm da cơ địa dễ bị bội nhiễm vi khuẩn và bùng phát nặng hơn sau khi tiếp xúc nguồn nước bẩn. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Bệnh nhân được bác sĩ kê toa thuốc uống, thuốc thoa kháng nấm và thuốc chống ngứa, sát khuẩn vùng da bệnh hàng ngày, dùng kháng sinh, kháng viêm để kiểm soát nhiễm trùng. Tuy nhiên, nấm da, chàm khó điều trị dứt điểm nếu không phòng bệnh. Do đó ngoài dùng thuốc theo đúng chỉ định, người bệnh cần tránh tiếp xúc với nguồn gây bệnh.
Bác sĩ Duy khuyến cáo nên đi ủng cao su, đeo găng tay khi tiếp xúc với nước ngập, tắm rửa kỹ với xà phòng, sữa tắm thích hợp. Lau khô cơ thể, nhất là các vùng kẽ ngón, nếp gấp da như bẹn, ngực, nách, cổ để giảm nguy cơ mắc bệnh. Người có tiền căn viêm da cơ địa cần thoa kem dưỡng da cả khi bệnh chưa tái phát.
Không tự chữa ngứa bằng cách ngâm chân với nước vôi, nước lá cây hay phèn chua. Một số người bị nước ăn chân tay hay ngứa da thường mua thuốc 7 màu (chứa corticoid) thoa liên tục vài tuần đến vài tháng. Bác sĩ Bích cảnh báo thuốc này khiến da "nghiện thuốc", ngừng thoa sẽ ngứa nhiều hơn trong khi da càng ngày càng teo mỏng.
Anh Thư
*Tên người bệnh đã được thay đổi