U xơ tử cung

11/09/2024
|
0 lượt xem
Các Bệnh Sức Khỏe
U xơ tử cung
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ Nguyễn Phối Hiền, Phòng khám Phụ khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - Cơ sở 3.

Nguyên nhân

- Nguyên nhân chính xác gây u xơ tử cung vẫn chưa được xác định rõ ràng.

- Các nghiên cứu cho thấy sự phát triển của u xơ cơ tử cung có liên quan mật thiết đến hormone estrogen và progesterone.

Các thụ thể của hai hormone này được tìm thấy với mật độ cao trên các tế bào của u xơ cơ tử cung, làm cho khối u dễ phát triển khi nồng độ hormone tăng cao như trong thai kỳ. U xơ có xu hướng nhỏ đi hoặc biến mất sau khi vào giai đoạn mãn kinh, khi nồng độ hormone giảm.

- Bệnh thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, đặc biệt là tuổi trung niên.

Vị trí

U xơ cơ tử cung có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau trong tử cung như dưới niêm mạc, trong cơ tử cung hoặc dưới thanh mạc.

Triệu chứng

Tùy vị trí và kích thước của khối u, các triệu chứng có thể bao gồm:

- Xuất huyết tử cung bất thường: Đây là triệu chứng phổ biến nhất, thường xuất hiện dưới dạng kinh nguyệt kéo dài hoặc ra máu nhiều.

- Đau: Đau có thể xuất hiện ở vùng bụng dưới, lưng, hoặc đùi, đặc biệt khi khối u lớn và gây chèn ép các cơ quan lân cận như bàng quang hoặc trực tràng.

- Ảnh hưởng đến sinh sản: U xơ cơ tử cung có thể làm giảm khả năng thụ thai, tăng nguy cơ sảy thai, hoặc gây các biến chứng trong thai kỳ như nhau bong non, thai chậm tăng trưởng, và sinh non.

Biến chứng

- U xơ cơ tử cung có thể dẫn đến các biến chứng như:

Thoái hóa khối u. Thoái hóa kính. Thoái hóa nhầy. Sinh hoại tử (thoái hóa đỏ).

- Đôi khi, khối u có thể bị xoắn cuống, gây ra đau dữ dội và cần can thiệp y tế khẩn cấp.

Chẩn đoán

- Chẩn đoán u xơ cơ tử cung thường được thực hiện qua siêu âm.

- Trong một số trường hợp phức tạp, MRI có thể được sử dụng để phân biệt UXCTC với các bệnh lý khác như adenomyosis hay sarcoma.

Điều trị

- Y học hiện đại:

Theo dõi: Với các trường hợp không có triệu chứng rõ ràng, bác sĩ có thể chỉ định theo dõi định kỳ mỗi 6-12 tháng. Điều trị nội tiết: Sử dụng thuốc để điều chỉnh nồng độ hormone trong cơ thể. Phẫu thuật: Được áp dụng khi khối u lớn hoặc gây ra các triệu chứng nghiêm trọng. Các phương pháp tiên tiến khác: Thuyên tắc động mạch tử cung, tiêu hủy u bằng nhiệt, hoặc sóng cao tần.

- Y học cổ truyền: Sử dụng các bài thuốc có tác dụng nhuyễn kiên tiêu tích, hành khí hoạt huyết, kết hợp với châm cứu và bấm huyệt để hỗ trợ điều trị.

Phòng ngừa

- Chế độ dinh dưỡng và lối sống lành mạnh.

- Duy trì cân nặng hợp lý, tập thể dục đều đặn, bổ sung thực phẩm giàu chất xơ, vitamin D, chất chống oxy hóa.

- Tránh tiêu thụ thực phẩm kích thích tăng nồng độ estrogen như thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn, và đồ uống có cồn.

- Nên khám phụ khoa định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các vấn đề liên quan đến tử cung, buồng trứng.

Mỹ Ý

Tin liên quan
Tin Nổi bật