Anh Bảo, quê Bình Thuận, xăm ảnh cha mẹ kín lưng và hình rồng dọc cánh tay trái. Người ở quê định kiến "xăm trổ là dân giang hồ" khiến anh và cha mẹ nhiều lần bất hòa. Anh đến một thẩm mỹ viện xóa xăm, được báo giá 60 triệu đồng xóa con rồng, gấp 6 lần chi phí lúc xăm. Mới chiếu tia laser một lần, da anh đau rát, bỏng rộp, viêm nặng nên bỏ cuộc.
Ngày 1/11, BS.CKI Lý Thiên Phúc, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết quá trình xóa phức tạp hơn rất nhiều so với xăm hình. Thợ xăm chỉ mất vài chục phút để hoàn thiện một hình xăm nhỏ, mất vài ngày cho hình lớn nhiều màu, nhiều hiệu ứng. Còn muốn xóa nhanh, hiệu quả ngay, chỉ có một phương pháp là phẫu thuật cắt bỏ vùng da này. "Đây là can thiệp y tế lớn, phải đến cơ sở y tế được cấp phép, có thể phải gây mê, gây tê, tiềm ẩn rủi ro nhiễm trùng, sẹo xấu sau phẫu thuật", bác sĩ Phúc nói.
Hình xăm rồng dọc cánh tay trái của anh Bảo. Ảnh: Hoàng Liên Sơn
Kỹ thuật xăm hình dựa trên nguyên lý dùng kim tạo ra các vết thương li ti để đưa hạt mực sắc tố vào lớp hạ bì hình thành hình vẽ vĩnh viễn trên da. Để có được hình xăm với màu sắc khác nhau, thợ xăm phải sử dụng nhiều loại mực. Hình xăm càng lớn, càng nhiều màu sắc thì phải sử dụng nhiều loại mực khác nhau.
Từ nhu cầu này, thị trường xuất hiện nhiều loại mực xăm với nhiều thành phần khác nhau, từ sản phẩm tự chế đến bán chuyên hoặc chuyên nghiệp. Do đó, chất lượng mực xăm cũng bất đồng, mực có thể dễ phai dễ xóa hoặc thậm chí thẩm thấu vào da ảnh hưởng sức khỏe và tính thẩm mỹ.
Theo bác sĩ Phúc, chất lượng mực xăm vì vậy cũng ảnh hưởng đến hiệu quả khi xóa xăm. Ví dụ, để xóa hình xăm phức tạp với nhiều màu sắc, bác sĩ không chỉ đơn thuần khử màu mà phải phối hợp nhiều loại laser không xâm lấn hoặc đồng thời kết hợp các phương pháp khác như tái tạo da bằng hóa chất (peel), mài mòn da. Hình dùng mực xăm loại tự pha chế thì xóa bằng laser đáp ứng tốt, còn mực xăm chuyên nghiệp thường phải điều trị nhiều lần với laser có bước sóng khác nhau.
"Xóa xăm bằng công nghệ laser pico được đánh giá an toàn, tác động chính xác đến sắc tố mục tiêu, ít gây tổn thương mô xung quanh, hiệu quả cao, ít làm tăng sắc tố sau viêm", bác sĩ Phúc nói, thêm rằng phương pháp này cần thời gian có khi cả năm và chi phí điều trị tương đối cao.
Như anh Bảo hoàn thành lần xóa bằng laser pico đầu tiên với nửa hình xăm phía trên. Sau một tháng, khi vùng da này hồi phục, anh sẽ xóa nửa hình xăm còn lại. Chi phí xóa xăm được chi trả theo từng lần, người bệnh không cần đóng một lần cho toàn bộ liệu trình để đỡ tốn kém.
Tuy nhiên bác sĩ Phúc lưu ý anh Bảo "rất khó để hình xăm biến mất 100% hay trở về màu da bình thường". Ngoài ra, kết quả điều trị nhanh hay chậm phụ thuộc nhiều vào thành phần mực xăm, độ sâu của mực trong da, cơ địa của người bệnh.
Trước và sau một lần xóa hình xăm bằng công nghệ laser pico tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Trung bình mỗi tháng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM và Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7 tiếp nhận khoảng 130-150 lượt xóa xăm, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Người đi xóa xăm hầu hết ở tuổi 15-35, phần lớn là nam. Đa phần người xóa hình xăm do kích thước lớn, xấu, cũ, vỡ nét, phai màu; hình xăm đôi, tên hoặc chân dung người yêu cũ, ở vị trí dễ thấy...
"Họ hối hận, lo lắng khi hình xăm ảnh hưởng tới công việc, học tập, các mối quan hệ hoặc không còn phù hợp với hiện tại", BS.CKI Quách Thị Bích Vân, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, giải thích.
Đơn cử Kiên, 17 tuổi, ở Đồng Nai, nửa năm trước lén gia đình đi xăm hình hổ trên lưng "để giống thần tượng". Kết quả, hình vẽ nguệch ngoạc, Kiên còn bị nhiễm trùng da từ bả vai đến thắt lưng. Mất ba tháng điều trị nhiễm trùng, vết thương lành hẳn và màu mực ổn định, Kiên mới có thể xóa xăm. Bác sĩ dự kiến liệu trình xóa xăm bằng laser pico cần tối thiểu 10 lần bởi vùng xăm diện tích khoảng 80 cm2, mực đi sâu vào lớp bì với mật độ rất dày. Trong đó, 2-3 lần điều trị đầu tiên được chia nhỏ nhằm thăm dò phản ứng viêm sau điều trị, tránh rộp nước, sẹo. Nếu đáp ứng tốt và không có phản ứng viêm quá mức, từ những lần sau Kiên sẽ được xóa toàn hình.
Còn ông Vinh, 63 tuổi, ngụ TP HCM, muốn xóa hình trên bắp tay phải xăm chiếc quan tài và trái tim bị hai mũi tên xuyên qua kèm tên của mối tình đầu. Kiểu hình này thịnh hành nhiều thập niên trước, được thực hiện bằng kim khâu quần áo, dùng mực tàu trộn với xỉ pin. Theo tuổi tác và lão hóa da, hình xăm trở nên chảy xệ, nhăn nheo trong khi vợ luôn bực bội khi nhìn tên người phụ nữ khác trên bắp tay chồng, ông Vinh đến bệnh viện xóa xăm. Trong 4 tháng, ba lần xóa bằng công nghệ laser pico, các nét mực mờ khoảng 50%. Ông Vinh cần thực hiện thêm khoảng 3-5 lần nữa, mỗi lần cách nhau một tháng để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.
Bác sĩ Bích Vân (trái) xóa xăm bằng công nghệ laser pico cho một nam thanh niên. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Từ các trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo mọi người cân nhắc kỹ trước khi xăm hình. Người có nhu cầu xóa xăm nên đến cơ sở y tế khám và được bác sĩ tư vấn liệu trình điều trị cụ thể, hướng dẫn chăm sóc nhằm giảm biến chứng, đạt hiệu quả tốt nhất. Xóa xăm tại các cơ sở không uy tín, chất lượng kém, dụng cụ không đảm bảo vô khuẩn có thể nhiễm các bệnh lây truyền qua đường máu, nhiễm trùng, viêm da. Biến chứng có thể xảy ra là kích ứng hoặc phát ban, sẹo xấu - nhất là với người có cơ địa sẹo lồi, sẹo phì đại, thay đổi màu da vùng xóa xăm.
Anh Thư
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về thẩm mỹ da tại đây để bác sĩ giải đáp