Những thói quen buổi sáng giúp phổi khỏe

13/12/2024
|
0 lượt xem
Bệnh Hô Hấp Thường Gặp Các Bệnh Hô Hấp Sức Khỏe
Những thói quen buổi sáng giúp phổi khỏe

Phổi cung cấp oxy và loại bỏ carbon dioxide, đảm bảo năng lượng cho cơ thể hoạt động tối ưu, tăng cường miễn dịch. Thạc sĩ, bác sĩ Mai Mạnh Tam, Phó khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, hướng dẫn những thói quen buổi sáng hỗ trợ bảo vệ phổi, cải thiện khả năng hô hấp.

Uống nước lọc ấm ngay sau khi thức dậy giúp làm ấm, ẩm hệ hô hấp, loãng dịch nhầy, đào thải độc tố, tăng cường khả năng trao đổi khí. Hơi nước ấm giúp tăng lưu thông máu, thông thoáng đường thở, giảm đau mũi xoang khi cảm lạnh, viêm mũi dị ứng.

Hiệu ứng sinh nhiệt nhờ uống nước khi bụng đói thúc đẩy tăng tốc độ trao đổi chất, giảm cân, phòng tránh thừa cân và béo phì. Nhờ đó dung tích phổi cải thiện, đường thở mở rộng, trao đổi khí tốt hơn, phòng tránh ngưng thở khi ngủ, hội chứng giảm thông khí, các bệnh phổi sẵn có như hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) diễn tiến nặng. Uống nước ấm cũng có tác dụng thư giãn, có lợi cho người bệnh phổi, giảm nguy cơ mắc bệnh hô hấp và tai mũi họng.

Tập thể dục buổi sáng như đi bộ, chạy bộ, yoga hoặc các bài tập giãn cơ tăng cường sức mạnh cơ hoành, cơ liên sườn, đẩy nhanh hoạt động của túi khí trong phổi. Khả năng vận chuyển oxy cải thiện làm tăng hoạt động của phổi và hệ hô hấp, kích thích lưu thông máu. Hoạt động thể chất thường xuyên cũng đốt cháy calo tốt hơn, giảm nguy cơ béo phì và các bệnh hô hấp liên quan đến béo phì.

Tập thể dục buổi sáng giúp cải thiện chức năng phổi. Ảnh: Quỳnh Thơ

Tập hít thở sâu khoảng 5-10 phút mỗi sáng góp phần cải thiện dung tích phổi, tăng hiệu quả hấp thụ khí oxy, loại bỏ carbon dioxide, đờm. Cách này cũng giảm căng thẳng, hữu ích cho người có vấn đề hô hấp như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Thực hiện các bài tập thở mím môi, thở bụng đều đặn có thể phục hồi chức năng phổi.

Đón ánh nắng buổi sáng giúp hấp thụ vitamin D cần thiết cho phổi. Bác sĩ Tam dẫn nghiên cứu cho thấy thiếu vitamin D có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh hô hấp như nhiễm trùng hô hấp do virus, viêm mũi xoang, COPD, hen suyễn, lao, bệnh phổi kẽ. Bổ sung vitamin D góp phần cải thiện dung tích phổi, giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, đẩy lùi một số triệu chứng ở người hen suyễn, COPD, giảm nguy cơ mắc Covid-19.

Mỗi người nên dành khoảng 15-20 phút mỗi ngày tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vào lúc sáng sớm để cơ thể tổng hợp đủ lượng vitamin D cần thiết. Kết hợp đón nắng với các hoạt động thể chất càng tốt cho sức khỏe. Sữa, sữa chua, phô mai, trứng cung cấp lượng vitamin D dồi dào. Người bị thiếu hụt đáng kể có thể dùng thực phẩm bổ sung theo hướng dẫn của bác sĩ.

Ăn sáng lành mạnh, ưu tiên thực phẩm giàu chất chống oxy hóa và omega-3 để cải thiện sức khỏe phổi, giảm viêm, góp phần ngăn ngừa tổn thương tế bào. Dưỡng chất này hỗ trợ bảo vệ cơ thể chống lại tác hại tiềm ẩn từ gốc tự do, hóa chất độc hại. Trái cây giàu vitamin C (cam, quýt, ổi, kiwi, ớt), rau xanh (cải xoăn, rau bina, bông cải xanh), omega-3 (hạt lanh, hạt chia, cá hồi, cá ngừ, dầu ô liu), các loại thực phẩm khác chứa vitamin A, E, magie, kẽm và selen... đều tốt cho phổi.

Dọn dẹp không gian sống sạch sẽ, mở cửa sổ thông gió sẽ cải thiện chất lượng không khí trong nhà. Sử dụng thiết bị lọc không khí, hút bụi, khử mùi có bộ lọc HEPA nhằm loại bỏ mùi hôi, mùi khói thuốc, tác nhân gây dị ứng như mạt bụi, phấn hoa, lông động vật, virus, vi khuẩn... Vệ sinh các màng lọc khí định kỳ để tránh bụi, nấm mốc tích tụ gây hại hô hấp.

Tránh khói thuốc lá và ô nhiễm không khí có thể giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh phổi, cải thiện khả năng hô hấp. Bác sĩ Tam khuyến cáo kiểm tra chất lượng không khí quanh khu vực sống, nơi làm việc hàng ngày trên ứng dụng hoặc cảnh báo của cơ quan chức năng. Nếu chất lượng không khí ở mức kém, nên đóng cửa ra vào và cửa sổ để giảm chất ô nhiễm xâm nhập, tác động đến sức khỏe.

Trịnh Mai

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật